Vừa qua, con tôi, 4 tuổi bị sốt cao và co giật phải cấp cứu tại bệnh viện. Tôi nghe nói, nếu trẻ đã bị co giật khi sốt cao thì lần sau sốt rất dễ bị lại. Tôi muốn hỏi quý báo, nếu con tôi lại bị co giật lúc sốt thì tôi phải làm gì để tránh những biến chứng khác?
Lê Thị Tùng
(Quảng Ninh)
Khi bị sốt cao co giật, trẻ có biểu hiện gồng cứng, co rút người, rung giật toàn thân, mắt trợn ngược, sùi bọt mép, hơi thở nông, khò khè, nghiến chặt răng, tiêu tiểu không tự chủ. Triệu chứng này thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi, kéo dài khoảng 30 giây đến 5 phút. Sau cơn trẻ tỉnh táo hoàn toàn và không có yếu tay chân hoặc có biểu hiện bất thường gì khác. Cơn co giật dễ tái phát và những lần co giật sau có thể xảy ra khi trẻ vừa sốt nhẹ. Nếu trẻ được xử trí tốt khi bị co giật thì hầu như không để lại di chứng. Cách xử trí tốt nhất mà bạn có thể làm cho con lúc này là giữ bình tĩnh, nhanh chóng đặt cán muỗng quấn gạc hoặc quấn khăn dày giữa hai hàm răng để tránh trẻ cắn vào lưỡi, hạ sốt cho trẻ càng nhanh càng tốt vì sẽ rút ngắn cơn co giật (cởi bỏ bớt quần áo, lau mát cơ thể trẻ bằng nước ấm, đắp khăn ướt ở nách, bẹn, cổ). Không nên đắp khăn ướt lên ngực hay đặt trẻ nằm trên vũng nước vì dễ bị nhiễm lạnh, viêm phổi. Không nên sử dụng rượu hay nước đá làm giảm nhiệt độ cơ thể trẻ do nước đá lạnh sẽ gây co mạch, gây run sẽ làm tăng sinh nhiệt, lau bằng rượu với lượng nhiều có thể gây ngộ độc cho trẻ do rượu thấm qua da. Dùng thuốc hạ sốt dạng nhét hậu môn, đặt trẻ nằm nghiêng đầu về một bên để tránh ảnh hưởng đến đường thở đồng thời tránh gây tổn thương cho trẻ. Trong trường hợp trẻ sốt trên 38 độ C kèm một trong các dấu hiệu trẻ dưới 3 tháng tuổi; trẻ có các rối loạn: mê sảng, co giật, khó đánh thức, khóc không thể dỗ; nổi ban đỏ trên da; khó thở nhiều; đau bụng; các dấu hiệu mất nước thì cha mẹ cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.